LÀM SAO ĐỂ TRÁNH NẤM MỐC?

Nấm mốc phát sinh trong môi trường ẩm ướt có thể gây hại cho sức khoẻ con người nhưng thực ra không khó để phòng chống nấm mốc. Vì thế, bạn đừng sợ hãi.

Nấm mốc gây hại có trong thực phẩm lẫn đồ dùng:

Trao đổi với phóng viên báo infonet.vn, TS Hoàng Đình Chân - nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) - cho biết nguyên nhân gây ung thư gan có tác nhân là độc chất được sinh ra từ nấm có tên là aflatoxin B1.

Các nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội chỉ ra rằng aflatoxin B1 có trong gan của 83,3% số bệnh nhân ung thư gan nguyên phát. Các độc tố của aflatoxin B1 bị đưa vào cơ thể qua việc ăn uống hàng ngày, khiến nó trú tại gan gây ra bệnh ung thư.

Aflatoxin là tinh thể trắng, bền với nhiệt, không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ thông thường (ở 120 độ C, phải đun 30 phút mới mất tác dụng độc), do vậy, nó có thể tồn tại trong thực phẩm và rất bền với các men tiêu hóa. Có 17 loại aflatoxin khác nhau nhưng thường gặp và độc nhất là aflatoxin B1.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội sinh học Việt Nam - cho biết thêm aflatoxin B1  không chỉ sinh ra từ các loại đồ dùng bị mốc như đũa gỗ, muỗng gỗ, thớt gỗ mà còn xuất hiện ở nhiều loại thực phẩm như đậu phộng (lạc), mè, lúa gạo, khoai mì, sữa, kể cả cơm, xôi, các loại tương và rượu lên men tự nhiên.

Như vậy, nếu chỉ chú ý đến nguy cơ nấm mốc trong đồ dùng nhà bếp thôi là chưa đủ.

Nên rửa sạch đồ nhà bếp bằng gỗ ngay khi sử dụng xong

Ngoài việc cẩn thận chọn lựa thực phẩm và thức uống trước khi chế biến, bạn cần phải thường xuyên kiểm tra lại các hộp đậu, mè, gạo và gia vị… có sẵn trong tủ và đừng ngần ngại đổ bỏ khi chúng bị mốc. Nên đựng gạo và các loại ngũ cốc, gia vị như hành - tỏi - gừng… trong các bao bì khô và sạch, không để nơi ẩm ướt. Với những thực phẩm đã nấu chín còn dư  phải cất lại, nên xem xét trước khi hâm lại để ăn, phòng khi cách bảo quản không đúng gây ra nấm mốc.

Riêng những loại đồ dùng bằng gỗ trong nhà bếp như đũa gỗ, muỗng gỗ, thớt gỗ… bạn phải rửa sạch ngay khi sử dụng xong, tuyệt đối không ngâm trong nước vì gỗ có đặc tính ngậm nước. Nên rửa sạch chúng với nước ấm là tốt nhất. Khi rửa xong bạn phải cất đũa muỗng và treo thớt nơi khô ráo, để hơi ẩm không bám vào đầu đũa hay mặt thớt.

Thỉnh thoảng, nếu kỹ bạn nên chà rửa đũa - muỗng gỗ và thớt gỗ bằng nước chanh hay giấm, rồi sau đó nhớ lau khô hoặc hong khô chúng. Và tất nhiên, bạn nhớ phải thay đũa muỗng và thớt mới sau 3 - 6 tháng sử dụng.

Không mua các loại đồ dùng nhà bếp làm bằng gỗ nhuộm màu

Một bí quyết cho các bà nội trợ là khi chọn mua đồ dùng nhà bếp như đũa, muỗng, thớt… nhớ tránh xa các sản phẩm làm bằng gỗ đã được nhuộm màu. Vì sao vậy?

Đa số những loại đồ dùng nhà bếp làm bằng gỗ thường bị nhuộm màu khi nhà sản xuất cần che giấu những khuyết tật của gỗ (chẳng hạn vết nứt, vết rạn hay vết thâm mốc). Trong quá trình sử dụng, màu nhuộm này có thể bị thôi ra thực phẩm hoặc bị nhạt dần đi, để lộ những vết nứt, vết rạn… khiến cho thực phẩm thừa dễ bám vào đó gây nên nấm mốc.

Chọn đồ dùng nhà bếp làm bằng gỗ nên chọn màu tự nhiên, không bị sơn màu và thị trường không thiếu những sản phẩm như vậy. Khi đã có sự hiểu biết, việc ngăn chặn nấm mốc sinh sôi trong căn bếp thực ra đâu có khó phải không?

Thuỷ Nguyễn

Scroll

Sản phẩm này đã hết hàng!

x

Thêm vào giỏ hàng thành công

x

Chức này cần phải cài thêm App Wishlist

x